[tintuc]Thiết kế Web chuẩn SEO giúp phát triển lâu dài, nâng uy tín thương hiệu. Tuy nhiên không ít người lầm tưởng chỉ cần thiết kế Website đẹp là thành công. SEO là 1 công việc giúp bạn tối ưu hóa Website theo các tiêu chí của Google (về nhiều mặt). Từ đó Google sẽ đánh giá thông qua thang điểm của họ để xếp hạng cho website, cho từ khóa bạn mong muốn.
PART I: BUILD WEB
[/tintuc]
Xin chào toàn thể các anh chị em NGHIỆN SEO, đây là bài viết đầu tiên của mình trên nhóm. Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân trong việc phát triển website (cụ thể ở đây là SEO).
Mình theo hệ GA. Trong chia sẻ mang nhiều quan điểm và kinh nghiệm cá nhân, nếu có gì chưa đúng mong được anh em nhẹ tay góp ý.
Một số vấn đề lưu ý trước khi đọc tiếp:
- Bài viết này phù hợp với những anh chị em đang muốn tự mình quản lý & phát triển dự án mới hoàn toàn.
- Vì thường làm SOLO, quỹ thời gian hạn chế nên tùy dự án mình thường chọn những bước trong checklist mà cảm giác sẽ mang lại hiệu quả cao nhất & nhanh nhất.
- Chống chỉ định cho người thiếu kiên nhẫn vì bài sẽ khá là dài.
Vào vấn đề chính thôi, dưới đây là những bước mà mình thường thực hiện cho dự án mới:
CHỌN SERVER/VPS
Vấn đề đầu tiên, nếu không muốn công sức cày cuốc đổ sông, đổ bể vô ích thì tuyệt đối không dùng Hosting (kể cả hosting cao cấp). Hosting chỉ để sử dụng chạy test chức năng website. Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ uptime & dễ bị suspend với nhiều lý do khác nhau mà không được thông báo trước. Rồi cả cái thủ tục phải làm ticket lằng nhằng để mở lại. Vừa tốn thời gian mà ảnh hưởng mạnh đến kết quả SEO.
Dự án khá gần đây mình nhận là của một công ty xây dựng Đ.S (mình không nêu tên cụ thể nhé), anh quản lý bị vấn đề là cứ hì hục cho từ khóa lên được page đầu một thời gian ngắn lại bị bay hạng. Và khi mình kiểm tra thì ôi thôi: tình cờ thế nào đúng lúc hosting “sập”. Không biết bị từ lúc nào nhưng khoảng 2h sau mới hoạt động lại. Trường hợp này thì anh em có làm SEO ngon cỡ nào cũng dễ bị rụng hạng hoặc từ khóa trồi sụt nhé.
Một số kinh nghiệm của mình như thế này:
- Hãy chọn nhà cung cấp uy tín: Quốc tế mình khuyến nghị dùng GG Cloud/ Server đặt tại Singapore nếu dùng cho web hướng tới lượng truy cập tại VN. Hàng Việt Nam thì các anh chị em tự tham khảo. Thực sự mình không đủ tự tin giới thiệu NCC nào cả.
- Nếu thuê server/VPS tại nhà cung cấp mà cảm thấy chưa tin tưởng hãy dùng thêm công cụ theo dõi hoạt động của server. Như mình hay để chừng 5-10p check 1 lần, nếu cứ 10 ngày nửa tháng mà downtime 2-3 lần thì chuyển sang NCC khác ngay & luôn.
- Hãy chọn server/VPS đặt gần khách hàng mục tiêu nhất có thể.
Cấu hình server/VPS
- Hãy chọn bắt đầu cấu hình tối thiểu 1CPU/1-2GB RAM đối với Dedicated VPS. Tỷ lệ CPU:RAM yêu thích của mình là 1:2 cho web động và 1:3 cho dạng web tĩnh.
- Tối thiểu 2CPUs đối với dạng VPS Cloud (Shared CPU) & 2-4Gb RAM tùy thuộc vào số lượng bài viết. Thông thường dạng này tùy nhà cung cấp mà họ sẽ đặt mức hoạt động tối đa cho CPU chừng 60-80% CPU (có khi 40-50% ai mà biết). 1CPU Shared rất hay xảy ra vấn đề khi web có lượng truy cập tương đối.
- Hãy nâng cấp server/VPS hoặc sử dụng CDN/ Load balancing khi CPU thường xuyên phải hoạt động ở mức 60-80%.
Bản thân mình, với những web đã đạt lượng traffic tương đối lớn, mình thường chọn sử dụng mô hình Server + 2 Load balancing (HN & SG) cho web VN và Server + 3 Load balancing (SING + EU + US) cho web Quốc tế. Vấn đề Load Balancing anh chị em cũng nên cân nhắc để giảm tải cho server chính, nhưng chỉ nên nghĩ đến khi website nó đã sinh ra tiền thôi. Chi phí Load balancing cũng cỡ $25-30 trở lên.
Cá nhân mình không thích dùng CDN cho website VN bởi nhiều lúc đây chính là nguyên nhân làm giảm hiệu suất website. Hơn nữa chi phí CDN tính theo lưu lượng sử dụng, đôi khi sẽ khiến chi phí duy trì tăng đáng kể.
CHỌN MÃ NGUỒN
Nên chọn WordPress. Con số thống kê trên 65% tổng số lượng website trên toàn cầu (dùng CMS) sử dụng WP đã nói lên tất cả. Khá nhiều bạn bên kinh doanh web hay “dìm hàng” WP là mã nguồn mở, không bảo mật này nọ. Họ không biết mã nguồn mở là bước tiến dài trong lĩnh vực công nghệ của nhân loại đấy. Chán chả buồn nói nữa.
Một vài trong vài chục, vài trăm lý do để anh chị em nên chọn bắt đầu với WP:
- Chi phí triển khai khá dễ chịu.
- Được hỗ trợ cập nhật vá lỗi, bổ sung tính năng, tăng hiệu năng thường xuyên.
- Cộng đồng hỗ trợ lớn. Bất kỳ vấn đề về kỹ thuật nào cũng sẽ được hỗ trợ giải quyết nhanh chóng.
- Nhiều Plugins (phần mở rộng) đa dạng & hầu hết miễn phí: Tất nhiên có phí sẽ ngon hơn 1 chút, cái này anh em thì liệu cơm gắp mắm thôi.
CHỌN GIAO DIỆN
Phần này thì một số anh chị em chưa có kinh nghiệm đã bị “đốt bạc” oan vì chỉ nhìn ưng cái giao diện rồi quyết định mua theme. Song, khi sử dụng thực tế do không phù hợp, thiếu chức năng hoặc khó tùy chỉnh hoặc khó tối ưu đành bỏ xó.
Để tránh ném tiền qua cửa số, anh chị em nên tìm hiểu thật kỹ chức năng theme có phù hợp hay không, còn về khả năng tối ưu thì phải cài đặt xong mới biết được. Nếu chọn theme miễn phí, hãy ưu tiên chọn theme phổ biến, vì một số theme mới phát triển dễ dính lỗi bảo mật, này nọ lọ chai.
TỐI ƯU WEB
Cá nhân mình thì ưng chất lượng website nên đạt một số tiêu chuẩn cơ bản sau:
- Đối với dạng thuần blog: Tốc độ tải thực tế chỉ ở khoảng 200 - 300ms, đánh giá từ PageSpeed full hoặc tối thiểu >95 điểm Desktop, >90 điểm Mobile.
- Đối với dạng tin tức/ tạp chí: Tốc độ tải thực tế chỉ ở khoảng 300 - 500ms, đánh giá từ PageSpeed tối thiểu >90 điểm Desktop & Mobile.
- Đối với web bán hàng/ web động: Tốc độ tải thực tế chỉ ở khoảng 600 - 1200ms, đánh giá từ PageSpeed tối thiểu >85 điểm Desktop & Mobile.
- Khả năng chịu tải nên ở mức tối thiểu 50 – 100 users đồng thời truy cập với mức CPU không được quá 60%. Tối ưu cao hơn được thì càng ngon lành cành táo.
- Nếu tốt hơn nên tích hợp thêm các công nghệ web như: AMP, PWA, khả năng duyệt Offline, xử lý tình huống duyệt web khi mạng internet yếu,…
Tốc độ tải thực tế là tốc độ đo bằng chính đường truyền internet của mình lúc ổn định nhé anh em. Thông số đo trên là server Singapore, với server VN anh chị em cứ mạnh dạn trừ thêm 100-200ms.
Hoàn thiện xong bước này là bạn đã nắm trong tay 10-30% thành công của dự án. (Đối với yêu cầu SEO nhóm từ khóa với cạnh tranh không cao thì có thể lên đến 50% rồi ý).
Nãy giờ luyên thuyên về xây dựng server/website. Có thể một số anh chị em sẽ hỏi cái này thì liên quan gì đến SEO. Theo kinh nghiệm của mình thì liên quan rất nhiều, liên quan mật thiết luôn.
Thứ nhất: Đơn giản, SEO thì cần traffic, để có traffic thì bạn cần người đọc ấn tượng với web. Điều này giúp tăng tỷ lệ quay lại, tỷ lệ chuyển đổi,… Việc xây dựng website tốt chính là nền móng vững nhất cho việc phát triển Website (trong đó có SEO).
Thứ hai: Theo thông báo chính thức của Google vào hồi tháng 5, chỉ số Core Web Vitals (một yếu tố quan trọng trong PageSpeed) có ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá thứ hạng website.
CHỐT NHẸ KINH PHÍ
Server/VPS chừng $5-20/tháng (khoảng $200/năm), domain $10-30, phí mua theme khoảng $50-60. Nếu muốn tối ưu max ping nữa thì một/một vài plugins trả phí khoảng $100 - 150. Như vậy với khoảng dưới 10 triệu VNĐ cho năm đầu là bạn có thể bắt đầu hành trình của mình một cách chuyên nghiệp rồi.
KHOAN! Đấy là đầu tư hẳn hoi nhé. Anh em cũng có thể bắt đầu với gói VPS $5-6/tháng, dùng themes & plugins miễn phí, cả domain nữa thì chưa đến 400k cho tháng đầu là đã có website hẳn hoi để bắt đầu chiến SEO rồi.
NEXT: Chuẩn bị web
- Xác minh/ gắn mã: Google Console, Analytics & Pixel hay một số mã khác.
- Xác minh vị trí: Phần này rất có ích cho local SEO.
- Tạo hồ sơ mạng xã hội: Mình thường chọn cỡ 5-10 MXH thôi & để tiết kiệm thời gian mình hay sử dụng chức năng tự động đăng từ web lên MXH luôn.
- Cấu hình SEO cho website (tiêu đề, ảnh,...).
- Xác minh sitemap /và news sitemap và các loại sitemap khác nếu cần thiết.
(đang còn nữa nhé)
[/tintuc]